9/15/2010

Biếm 12

Tranh dự thi: vì tương lai con em chúng ta, trên TT Cười (số sáng nay, 15.09.2010).

7/15/2010

Dạo này hay mưa, buồn. Đường về xa tít tắp, đôi khi muốn khóc, đôi khi yêu những người như đang muốn khóc.

Sài Gòn giờ cũ rồi, cũ đi nhanh quá. Mình cứ ngỡ những ngóc ngách luôn mới mẻ với đôi chân mình mỗi ngày, hóa ra không. Giờ, mình đành tìm sự mới mẻ trong từng cái cũ, từng chi tiết.

Mong có một sự bắt đầu lại, tự mình tìm ra, hay ai đó mang đến cũng dc. Bức tranh đời mình giờ nhòe lắm rồi, chẳng nhìn ra đâu là nét vẽ đầu tiên nữa, chẳng lần ra màu sắc của tâm trạng nữa.

Có lúc nằm mơ mình bị cùi, cùi cả tay và chân,tất cả đều khô khan và lạnh lùng. Sáng thức dậy chẳng hiểu mình đang ở cái nơi này để làm gì. Đường về cũng chẳng còn gì.

23 năm, anh em mình không như là anh em. Giờ, mới thấy có chút tình ấm áp hàn lại vết thương ngày đó. Không biết đó là tự mình tìm ra, hay ai đó mang đến nữa. Mấy ngày nữa nó về quê, còn được ôm nó ngủ thêm mấy bữa nữa..

Ba! con ghét ba. Ba ra đi để lại cho con tất cả, tất cả, nhưng chỉ là 1 mớ hỗn độn ko thể chắp nối, mãi ko thể. Con cần ba sống thêm 2, 3 năm để dạy con biết làm ra thứ keo có thể làm điều đó. Vậy mà, mỗi lần gặp lại, ba ko làm thế, mà lại mang đến 1 mớ hỗn độn khác.

Dù sao cũng cũ xưa rồi, ba cho con làm lại, nha ba!

3/19/2010

Thơ tham gia Bút Mới

Màu thời gian

Ngày còn bé em hay vui với khung trời thơ mộng
Có con diều xoải cánh giữa không trung
Đôi lần diều đứt dây làm tan biến giấc mơ hồng
Chị nói vậy là ước muốn em đã bay vút lên trời, cho nước mắt em không nặng hạt.

Chị vót tre, cắt giấy, vét cơm nguội quệt hồ cho em con diều mới
Một con diều xanh đỏ hình con bướm hợp với đôi mắt tuổi thơ em
Chiều ra đồng chị cầm diều chạy lấy gió cho ước mơ em
Khi diều đã tung cánh, chị đưa em giữ chỉ.


Em nhớ sao nguôi
Khung trời đó, con diều xanh đỏ
Nhưng em không nhớ lúc nào em đã bỏ nó
Ra đi.


Màu thời gian trôi là trong suốt
Nhưng thời gian vùi lấp những ký ức chẳng ai tìm lại được
Dưới những con chữ em đã học khi cất bước xa quê
Có màu xanh đỏ của con diều no gió.


Chị sắp lấy chồng xa
Em mơ thấy mình là con diều đứt khỏi chiếc dây do chính tay mình buộc
Nhưng em không bay mất để đưa một ước mơ nào cao vút
Có ước mơ nào bay cao khi nó quên mất cái tên xưa.


Chiều nay, màu thời gian trôi bỗng không còn trong suốt đong đưa
Để lộ ra cánh đồng xưa gió trải giữa khung trời
Đám cưới quê có ai nghe nao nao trong gió chơi vơi
Có con diều xanh đỏ
Ngược gió.

NGUYỄN MINH VƯƠNG
(mình thik cái tên này)

http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=359050&ChannelID=414

11/18/2009

Biem 11

Thị trấn màu tím

Cuộc thi truyện ngắn "Tuổi thanh xuân"

Thị trấn màu tím


AT

Ở lại.

Những đóa hoa anh đào vụt biến khỏi giấc mơ. Tôi mở mắt ra bởi tiếng ồn ào của những người bán hàng rong phía dưới. Tàu dừng ở ga, một ga ở miền Trung. Những giấc ngủ đứt khúc từ hôm qua tới giờ làm đầu óc tôi mệt nhoài.

Tôi bước xuống. Trời còn đen kịt, gà đâu đó gáy lên vài tiếng. Đường ray phả một mùi nhầy nhụa khó tả. Dọc theo nhà ga, nhiều hàng quán treo những bóng đèn điện tròn leo lét vàng. Những chủ quán thức dậy một cách uể oải đón tiếp những vị khách áo quần ủ rũ không kém.

Tàu dừng mười lăm phút. Tôi đi dọc ga, định kiếm chỗ nào tắm táp cho sạch sẽ. Đường còn dài. Nhưng bất giác tôi dừng lại ở một gian hàng nhỏ. Ông chủ tiệm nhìn tôi với cặp mắt sâu, tay chìa ra những bức tranh sơn dầu quệt loang lổ màu tím nhạt. Phía bên trong, những bức khác cũng một tông màu tím.

- Ông vẽ gì vậy?

- Thị trấn màu tím.

Tàu nghiến bánh vào đường ray chầm chậm lăn. Tôi vẫn đứng dưới ga chẳng vì lý do gì. Trên tay là mớ chì cọ và những hộp màu đựng trong chiếc cặp da của mình.

Uyên.

Trời hửng sáng. Tôi vào sâu trong thị trấn. Ở đây chẳng có khách sạn hay nhà nghỉ gì cả. Tôi được một bà quét chợ chỉ vào một võ đường. Theo lời bà già gù ấy nói, võ đường có xây phòng cho các môn sinh ở xa tới học. Nếu may mắn tôi có thể kiếm được một phòng trống.

Người đàn ông khoảng năm mươi, da bánh mật nhìn tôi. Hỏi rặt giọng miền Trung:

- Sinh viên? Trễ tàu?

Tôi gật đầu:

- Cháu học trong Nam. Cháu về nhà ở Hà Nội. Hồi sáng tàu dừng ở ga ngoài kia, cháu kẹt.

Chân mày người đàn ông khẽ dãn ra. Đoạn ông quay đầu vào trong nhà gọi lớn:

- Uyên! Con ra dắt thằng này vào cho nó một phòng.

Tôi thở phào.

Uyên đẹp, và khó gần. Các môn sinh ở những phòng bên cạnh bảo tôi vậy. Mẹ nàng mất khi nàng mới hai tuổi. Có lẽ vì vậy mà nàng luôn toát lên một vẻ buồn mong manh.

Tôi bảo đây là lần đầu tôi ở miền Trung. Cha Uyên cười bảo mày ở lại bao lâu thì ở. Tàu ngày ngày chạy ầm ầm ngoài kia. Bao giờ chán thì ra mà về.

Tôi cười. Người miền Trung thiệt bụng thật.

Đôi ba lần đi ngang qua phòng tập, tôi sững sờ khi thấy dáng Uyên thoăn thoắt những thế võ cùng các môn sinh. Uyên hay tết tóc cho gọn, hình như thành thói quen, nên tôi chẳng thấy nàng xõa tóc. Đôi lúc cũng vì mái tóc ấy mà tôi đứng trân ra không rời mắt được. Những ký ức ngày xưa đâu đó bỗng ập về.

Hoa anh đào ở Oregon và ghế sofa.

Trâm hay viết thư tay về cho tôi, nó ghét gửi mail. Mỗi lá thư con bé gửi về tôi đều đọc kỹ, cất kỹ. Có lần nhìn những bức ảnh kèm theo, tôi không cầm được nước mắt. Dù đã hai mươi, bím tóc con bé vẫn phất phơ dưới tán những đóa anh đào làm dợn lên những hoài niệm của hai anh em ngày thơ. Ngày chưa có sự chia xa. Ngày còn sống chung một mái ấm thật sự.

Từ bé, tôi và Trâm đều có một ước mơ được ngắm những đóa anh đào ở Oregon. Cậu mợ tôi từ Oregon về đôi lần cùng với những tấm ảnh về những đóa hoa ấy. Mơ mộng của hai anh em tôi vun lên từ ngày ấy.

oOo

- Mày làm cái quái gì đó hả thằng mất dạy?

Mỗi lần tôi về nhà, bố hoặc mẹ tôi sẽ hét lên câu đó khi nhìn cảnh tôi xé toạc bộ sofa - thứ làm tôi ghét nhất.

Ngày Trâm đi, bố mẹ tôi cũng ngồi ở tiền sảnh sang trọng, trên bộ sofa. Họ nắm tay nhau tạo cho con bé một cảm giác an tâm để ra đi.

Trâm quay sang tôi:

- Sao anh Hai không đi với em? Anh đã hứa là sẽ cùng đi du học, sẽ cùng ngắm hoa anh đào ở Oregon với em mà!

Tôi cười nặng nề, nắm lấy tay con bé:

- Anh sẽ sang sau. Anh hứa đó!

Và tôi đã ở lại nhìn máy bay khuất dần trên không. Tôi không bay cùng ước mơ với em gái mình vì tôi không muốn mình mất thứ còn ở lại.

Tôi ghét những bộ sofa mà bố mẹ tôi thay mỗi lần tôi đâm rách toạc. Ở cái nơi đẹp đẽ ấy, họ sẽ nắm lấy bàn tay nhau khi có một ai đó ghé tới nhà, khi họ hàng tới thăm... Bộ ghế xa xỉ như cái bệ đỡ che giấu cho hạnh phúc giả tạo của bố mẹ tôi.

- Mày còn muốn gì nữa? Nhà? Xe? Tiền? Mày còn thiếu gì nữa?

Tôi cười man dại. Hai má bỗng mát lạnh, gục xuống chiếc ghế rách bươm:

- Mẹ không biết con thiếu gì sao?

Mẹ tôi lặng im giây lát rồi bước ra xe. Tôi biết mẹ giấu gì sau đôi mắt ấy. Nhưng tôi biết mẹ không thể quay đầu lại nhìn để trả lời tôi được nữa...

Và tôi cũng ra đi sau cái đêm mẹ đập vỡ đầu ả thư ký của bố ngay trong phòng ngủ của mình. Tôi vơ vét những gì thuộc về tôi và về Trâm. Những lá thư, những lọ màu, cọ vẽ... Những thứ còn nằm trong tầm với của khát khao.

Những đóa bằng lăng.


Tôi leo lên ngọn đồi phía sau võ đường với mớ màu vẽ và cọ. Từ trên đỉnh đồi nhìn xuống, tôi chợt nhận ra thị trấn này trồng rất nhiều bằng lăng. Nhìn ra xa, cả thị trấn ánh lên một màu tím buồn bởi loài hoa ấy. Tôi chợt nhớ đến những bức tranh của ông già cạnh ga.

Uyên ngồi hai tay ôm gối, mắt không rời một giây những nét cọ của tôi. Vẻ ngang tàng cứng cỏi của nàng lúc ở võ đường bay đi đâu hết. Nàng thích thú với những gam màu, tới độ nàng nài tôi:

- Vương dạy mình đi!

Tôi cười:

- Vậy mình được gì nào?

Uyên suy nghĩ một chút rồi nói:

- Mình sẽ dạy Vương võ! Được chứ?

- Em gái mình ở Mỹ. Tuần sau nó về Việt Nam nên mình phải về nhà.

Uyên thoáng buồn lên mắt. Tôi nắm lấy bàn tay Uyên:

- Mình sẽ trở lại!

Ông già và bức chân dung.

Tôi tìm lại tiệm tranh của ông già ở gần ga. Trời chiều phủ gió khô rang. Trong những bức tranh, những đóa bằng lăng tím nhấn trên không gian những vệt màu tím loang lổ. Tôi có cảm giác tác giả đã gửi vào tranh những nỗi đau vô định đến khó tả. Nó khiến người xem phải suy ngẫm và như tìm thấy chính mình trong tranh. Nhưng tôi cam đoan với những nỗi ám ảnh thị giác như vậy, rất ít kẻ đủ can đảm bỏ tiền ra mua những bức tranh này.

- Lúc đầu tôi không hiểu tại sao cậu ở lại đây. Nhưng giờ thì tôi biết: Cậu cũng là người thích vẽ - Ông già ho khù khụ.

Tôi cười:

- Tôi không đam mê đến vậy. Chẳng qua tôi không thích con đường của chuyến tàu ấy!

- Khi cậu dừng lại, ở bất cứ đâu, đó cũng là một con đường mà cậu đã chọn.

Mắt tôi vẫn đảo quanh những bức tranh. Bỗng tôi khựng lại ở một bức chân dung. Bức tranh duy nhất có nhân vật trong hàng đống khung treo, dựng ngả nghiêng. Một cô gái đẹp đứng tựa lưng vào một gốc bằng lăng. Hoa trong tranh vẫn tím nhạt. Nhưng chẳng hiểu sao tôi bỗng thấy nhẹ lòng nơi đôi mắt cô gái. Và tôi cảm thấy đôi mắt ấy gần gũi lạ. Dù đây là lần đầu tôi thấy bức tranh này.

- Tôi muốn mua bức này.

- Cậu biết vẽ mà lại đi mua tranh?

- Như một kỷ niệm. Tôi sắp đi rồi.

Ông già lại châm thuốc, rồi lại ho khù khụ, mắt ngước lên trần nhà tối hù:

- Đó là người yêu ngày trẻ của tôi.

- Vậy bà ấy đâu? - tôi tò mò.

Ông già nhả khói thuốc:

- Mất rồi! Tôi không thể bán bức tranh.

- Khi nào ông muốn bán, hãy tìm tôi. Bao nhiêu cũng được - Tôi nói câu cuối và bước ra khỏi tiệm tranh ẩm thấp.

Tôi nghĩ sẽ chẳng bao giờ gặp lại ông già. Nhưng trong chiều mưa lất phất trước ngày tôi đi, ông già hẹn tôi dưới hiên một quán rượu xập xệ. Tôi và ông nâng ly. Ở đất này có thứ rượu thật lạ. Khi uống vào ruột lạnh buốt, sau đó là cảm giác cay xé lòng. Mặt ông già đỏ gay, tay ôm chặt bức tranh bao bọc kỹ càng.

- Ông đổi ý? - Tôi hỏi.

- Tôi thiếu nợ, họ sẽ lấy nhà tôi. Tôi cần tiền để giữ lại ngôi nhà.

- Tại sao?

- Ngôi nhà đó là tất cả kỷ niệm của tôi và bà ấy. Nếu mất nó, tôi sẽ mất tất cả...

Tôi cười nhắc lại lời ông:

- Khi dừng lại, ở bất cứ đâu, đó cũng là một con đường mà ta đã chọn.

Thị trấn màu tím.

Tôi bước ra ga, một mình. Hôm qua lúc say, Uyên đã tát tôi một cái thật đau khi tôi nói tôi sẽ sang Mỹ và không quay về rồi nàng khóc.

Bức tranh trên tay tôi nặng trĩu. Điện thoại rung lên, tiếng Trâm vang lên:

- Anh Hai! Em về Hà Nội rồi. Bao giờ anh về đến?

Tôi nói như reo:

- Anh đang...

Chiếc điện thoại rơi xuống đất, vỡ đôi. Con dao màu bạc xuyên qua làn mưa, cắm vào người tôi. Tôi khụy xuống. Xung quanh chỉ có mưa rơi. Gã đàn ông bịt kín mặt vội vàng chụp lấy bức tranh trên tay tôi và chạy thục mạng.

Lòng tôi lạnh ngắt, như đang nuốt vào thứ rượu hôm nào. Tôi như say, mắt mờ dần. Bóng gã đàn ông đang chạy dọc theo đường ray nhòa trong mưa.

Hôm qua, lần đầu tiên tôi mới thắp cho mẹ Uyên một nén hương trước khi đi. Tôi đã chết đứng hàng giờ khi nhìn bức ảnh mẹ Uyên. Đôi mắt ấy, nụ cười ấy giống hệt người trong tranh.

Tôi để lại bức tranh vẽ bà mà tôi đã mua kèm một lá thư cho Uyên.

Mưa xóa bóng gã đàn ông cùng bức tranh. Đó là bức tranh tôi vẽ Uyên xõa tóc mà tôi giữ cho mình. Cuộc đời là cả một chuỗi nhầm lẫn. Nước mắt tôi trào ra trong hơi thở gấp.

Tôi ngã xuống vũng nước đọng. Mưa vẫn rơi. Tôi nhìn thấy một cô gái tóc tết bím đang chạy về phía tôi. Phía sau xa, những đóa hoa anh đào màu tím loang lổ ai vẽ trên nền trời.

NGUYỄN LÊ DUY (TP.HCM)

9/24/2009

Minh họa Áo Trắng 15-09-09










7/15/2009

Minh họa Áo trắng 15/7/09

Những minh họa trên Áo Trắng số sáng nay- 15/7/09. Số thứ 3 mình minh họa cho AT.